Skip to main content

Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới: Bước chuyển ở Bình Gia

(LSO) – Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn song chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Bình Gia đã đạt được những kết quả tích cực.

Ông Bùi Hoàng Nam, Chủ tịch UBND huyện Bình Gia cho biết: Thực hiện Chương trình số 22/CTr-UBND ngày 15/7/2016 của UBND tỉnh về tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2016 – 2020 (chương trình số 22), huyện Bình Gia đã nhanh chóng bắt tay vào triển khai thực hiện nhiệm vụ cụ thể.

Bên cạnh dành nguồn lực để thực hiện chương trình (giai đoạn 2016 – 2020, Nhà nước đã dành khoảng 30 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển sản xuất với các nội dung  như: đổi mới hình thức tổ chức sản xuất hỗ trợ giống, vật tư, xây dựng tem nhãn, xúc tiến thương mại cùng hàng trăm tỷ đồng phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn), công tác tập huấn, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về chương trình số 22 cũng được tập trung đẩy mạnh. Cụ thể, toàn huyện đã tổ chức được 25 lớp tập huấn, tuyên truyền chuyên đề với 2.511 người tham dự và hàng nghìn buổi tuyên truyền lồng ghép; cấp phát hàng nghìn tài liệu, tờ rơi tuyên truyền về tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Mô hình trồng mác ca tại xã Tân Văn cho hiệu quả kinh tế cao

Từ sự hỗ trợ cụ thể, thiết thực của nhà nước và sự năng động, nỗ lực của người dân, việc triển khai thực hiện chương trình số 22 trên địa bàn huyện Bình Gia đã đạt được những kết quả tích cực. Cách thức sản xuất từng bước được thay đổi, nhiều mô hình sản xuất phát huy được tiềm năng, thế mạnh của cơ sở, qua đó góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Mô hình nuôi trâu, bò tại xã Hồng Thái là một ví dụ.

Trước đây, đàn trâu, bò trên địa bàn xã thường chăn thả tự nhiên. Tuy nhiên, việc chăn thả tự nhiên thường khó quản lý, mất công cũng như khó trong khâu chăm sóc,   hiệu quả kinh tế không cao. Nhận thấy những hạn chế đó, năm 2015, sau khi tìm hiểu thực tiễn ở một số nơi, anh Lương Hoàng Thức, thôn Nam Tiến, xã Hồng Thái đã đầu tư thực hiện mô hình nuôi trâu, bò nhốt chuồng. Anh Thức cho biết: Để đầu tư chăn nuôi, bên cạnh phát huy nội lực, năm 2018, gia đình tôi được vay vốn và được hỗ trợ 50% lãi suất ngân hàng. Bên cạnh đó, tôi luôn tìm tòi, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm để từng bước nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Đến nay, gia đình tôi luôn duy trì trên 100 con trâu, bò nhốt chuồng. Riêng thu nhập từ chăn nuôi mang lại cho gia đình từ 400 đến 500 triệu đồng/năm. Thấy hiệu quả, hiện nay đã có 40 hộ dân khác ở xã Hồng Thái chuyển sang mô hình nuôi trâu bò nhốt chuồng.

Một ví dụ khác đó là mô hình trồng chè dưới tán hồi ở thị trấn Bình Gia. Ông Lê Tiến Lâm, Giám đốc Hợp tác xã Chè dưới tán hồi cho biết: Thay vì sản xuất chè theo kiểu “tự nhiên” như trước, khoảng 3 năm trở lại đây, từ nguồn hỗ trợ của nhà nước, hợp tác xã đã tập trung sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích khoảng 35 ha. Sản xuất theo quy trình VietGAP nên năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm chè được nâng lên rõ rệt. Hiện nay, sản phẩm chè khô của hợp tác xã có giá 200.000 đồng/kg, cao hơn 25  đến 35% so với sản xuất chè thông thường trước đây. Sản phẩm chè dưới tán hồi của hợp tác xã được trao chứng nhận sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) hạng 3 sao. Qua đó, tạo tiền đề để mở rộng diện tích cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm trong thời gian tới.

Cùng với 2 mô hình trên, thực hiện chương trình số 22, trên địa bàn huyện Bình Gia còn những mô hình phát triển sản xuất, những sản phẩm chủ lực phát huy hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Giai đoạn 2016 – 2020, trên địa bàn huyện đã có thêm hàng chục mô hình sản xuất hiệu quả; toàn huyện đã trồng mới trên 5.000 ha rừng sản xuất và 377 ha cây ăn quả. Bên cạnh đó, huyện đã bước đầu hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh như vùng cây hồi, quế, mỡ, keo, bạch đàn, sở, quýt…

Nhờ đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng nhãn hiệu, mở rộng thị trường nên không chỉ tăng về diện tích mà chất lượng sản phẩm nông, lâm sản trên địa bàn huyện Bình Gia cũng được nâng lên, góp phần quan trọng vào việc nâng cao thu nhập cho người dân. Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện mới đạt 17,6 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2019, thu nhập bình quân tăng lên 32,5 triệu đồng/người/năm.

Những kết quả đạt được trong tái cơ cấu nông nghiệp đã trực tiếp góp phần vào kết quả xây dựng nông thôn mới chung trên địa bàn huyện. Đến nay, huyện Bình Gia có 6 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Với sự hỗ trợ của nhà nước, sự nỗ lực vượt khó của người dân, chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Bình Gia đã có những chuyển biến rõ nét. Qua đó không chỉ góp phần quan trọng vào việc nâng cao đời sống của người dân mà còn tạo diện mạo nông thôn ngày một đổi mới.

                                                                                                                                  Nguồn: Coppy Báo lạng Sơn

About