Skip to main content

Chăn nuôi trâu, bò vỗ béo theo hướng bán chăn thả: Triển vọng phát triển kinh tế ở xã Tân Văn

(LSO) – Thời gian qua, tận dụng lợi thế có bãi chăn thả rộng, nhiều đồng cỏ tự nhiên cộng với những kiến thức khoa học kỹ thuật, người dân xã Tân Văn, huyện Bình Gia đã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trâu, bò vỗ béo theo phương thức bán chăn thả. Từ đó đem lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra triển vọng phát triển kinh tế cho bà con.

Trước đây, gia đình ông Nguyễn Văn Tằm, thôn Nà Vước chỉ nuôi  khoảng 1 – 2 con trâu và chăn nuôi theo phương pháp truyền thống nên hiệu quả kinh tế không cao. Từ năm 2016, thông qua các lớp tập huấn, ông Tằm biết đến phương pháp chăn nuôi trâu vỗ béo và đã áp dụng vào thực tế chăn nuôi tại gia đình. Ông Tằm chia sẻ: “Nếu như trước đây chăn nuôi truyền thống phải mất 3 năm, tôi mới nuôi được một lứa trâu để bán, thì hiện nay mỗi năm tôi vỗ béo được 2 lứa trâu, mỗi lứa từ 4 đến 5 con, thu lãi khoảng 25 – 30 triệu đồng/lứa. Ngoài ra, gia đình tôi còn nuôi 10 con trâu sinh sản theo hướng bán chăn thả. Nhờ đó, hằng năm, gia đình có thu nhập trên 100 triệu đồng từ chăn nuôi”.

Người dân thôn Kéo Coong chăm sóc đàn bò

Cũng chăn nuôi theo hướng bán chăn thả nhưng gia đình ông Nông Ngọc Đội, thôn Kéo Coong lại chọn hướng phát triển kinh tế từ nuôi bò. Ông Đội cho biết: Gia đình tôi thường duy trì đàn bò với số lượng 12 con, trong đó có 4 con bò cái. Hằng năm, gia đình xuất bán khoảng 5 – 6 con, thu nhập trên 100 triệu đồng.

Từ hiệu quả của các mô hình trên, phong trào chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn xã Tân Văn được nhân rộng trong khoảng 3 năm trở lại đây. Hiện nay, xã có trên 100 hộ phát triển đàn trâu bò. Trong đó có  10 hộ nuôi với số lượng từ 10 con trở lên, hầu hết đều chăn nuôi vỗ béo theo phương thức bán chăn thả. Theo đó, với hình thức này, người chăn nuôi sẽ bổ sung cám gạo cho trâu, bò kết hợp với cỏ voi và thả đồng để trâu, bò phát triển nhanh hơn. Hiện nay, xã có trên 1.000 con trâu bò.

Xác định phát triển chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi trâu, bò vỗ béo theo phương thức bán chăn thả là hướng đi giúp người nông dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo, trong năm 2018, từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất với số tiền là 450 triệu đồng, UBND xã đã hỗ trợ 18 con bò giống cho người dân.

Ngoài ra, hằng năm, để tạo điều kiện cho người dân phát triển chăn nuôi, xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức 5 – 6 lớp tập huấn phổ biến kiến thức, chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng chính sách xã hội với dư nợ trên 17 tỷ đồng… Cùng với đó, căn cứ vào điều kiện tự nhiên, UBND xã quy hoạch phát triển chăn nuôi tập trung ở các thôn: Nà Vước, Pá Péc, Kéo Coong, Bản Đao…

Đặc biệt, từ năm 2017, trên địa bàn xã thành lập một tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản với 5 thành viên. Từ 18 con bò giống ban đầu, đàn bò sinh sản, phát triển tốt, thời điểm nhiều nhất có 52 con. Năm 2019, tổ hợp tác đã được xuất bán 40 con bò, doanh thu đem lại gần 500 triệu đồng. Đây là mô hình liên kết sản xuất về nuôi bò sinh sản đầu tiên ở huyện Bình Gia tận dụng diện tích đồng cỏ rộng lớn trong thung lũng Lân Khinh để chăn thả đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Nông Duy Nghĩa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Văn cho biết: Nhận thấy việc phát triển chăn nuôi trâu, bò đem lại thu nhập cho bà con, UBND xã chỉ đạo tuyên truyền người dân phát triển theo hướng bán chăn thả và trồng cỏ voi để phục vụ nhu cầu chăn nuôi; coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế.

Từ sự quan tâm, định hướng của xã, sự chủ động của người dân, chăn nuôi trâu bò đã góp phần giúp người dân có thu nhập cải thiện cuộc sống. Hiện thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 34,8 triệu đồng/người/năm (tăng 10,2 triệu đồng/người/năm so với năm 2015); tỷ lệ hộ nghèo giảm qua các năm, hiện còn 6,78%.

                                                                                                                           Nguồn: Coppy Báo Lạng Sơn

About